tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Triết lý dụng gỗ của Kengo Kuma

  • Cập nhật : 16/01/2018

Kengo Kuma là một trong những kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng quan trọng trong kiến trúc đương đại Nhật và có những dự án ảnh hưởng đến thế giới.

kengo kuma la mot trong nhung kien truc su co tam anh huong quan trong trong kien truc duong dai nhat va co nhung du an anh huong den the gioi.

Kengo Kuma là một trong những kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng quan trọng trong kiến trúc đương đại Nhật và có những dự án ảnh hưởng đến thế giới.

NCĐT đã có dịp gặp gỡ vị kiến trúc sư thiết kế sân vận động ở Tokyo phục vụ cho kỳ thể thao Olympic 2020 trong chuyến đi khảo sát dự án đầu tiên của ông tại Việt Nam.
Con mắt của những kiến trúc sư luôn khác thường, những gì đường nét đơn giản nhất cũng đều có thể trở thành ý tưởng lớn. Kengo Kuma bắt đầu buổi trò chuyện với mọi người bằng những nét vẽ lượn sóng thoạt trông không có ấn tượng gì nhiều, như bức tranh của một đứa trẻ. Thực tế, đây là những nét phác thảo đầu tiên cho toàn bộ dự án mới của ông tại Việt Nam. “Đường cong uốn lượn như sóng nước là cảm hứng đầu tiên dẫn tôi đến thiết kế này”, ông nói.

kien truc su kengo kuma

Kiến trúc sư Kengo Kuma

Lần đầu đến TP.HCM, điều khiến ông chú ý chính là sông Sài Gòn. “Tiếp xúc với sông Sài Gòn, chúng tôi muốn đảm bảo tầm nhìn toàn bộ thành phố, đó là điều quan trọng nhất”. Đó cũng là ý tưởng xuyên suốt trong quá trình Kuma vẽ nên dự án Waterina nằm ở khu vực Đảo Kim Cương, quận 2, TP.HCM.

Đây là dự án căn hộ cao cấp với đặc điểm là số lượng ít và có diện tích lớn. Sự lấp lánh của nước và uốn lượn của sông Sài Gòn đã giúp công việc mới của Kuma tại Việt Nam không hoàn toàn giống với những dự án khác của ông trên thế giới. Kuma cho biết, mỗi dự án của ông trên thế giới đều phải có điểm đặc trưng riêng.

Kuma nói: “Chúng tôi muốn thử khái niệm mới chưa bao giờ có trên thế giới, đó là sự lượn sóng của tòa nhà và phần đế xanh. Đây cũng là dự án đầu tiên tôi muốn thể hiện thiên nhiên và văn hóa của người Việt Nam, điều mà chủ đầu tư đã yêu cầu đưa vào thiết kế từ trước”. Có thể nói đặc trưng của xu hướng kiến trúc ngày nay là gắn liền với văn hóa bản địa.

Dưới con mắt của vị kiến trúc sư Nhật, TP.HCM là nơi tập hợp của nhiều kiến trúc ngoại lai. “Thành phố có nhiều kiến trúc mang đặc trưng của Trung Quốc như mặt tiền hẹp và đi sâu vào bên trong, đồng thời có đường cong đặc trưng của Pháp. Người Việt vận dụng riêng và tạo ra cho mình kiểu kiến trúc hỗn hợp”, Kuma nhận định.

Kết nối những yếu tố truyền thống vào kiến trúc không chỉ giúp Kuma phổ biến ở Nhật mà còn giúp ông đi ra thế giới, vươn tầm ảnh hưởng đến Trung Quốc và phương Tây. Như kiến trúc sư Huỳnh Thúc Hào, văn phòng kiến trúc 1+1>2, nhận định: “Ông là người có kiểu thiết kế Nhật pha lẫn nét toàn cầu”.

kengo kuma noi tieng la nguoi su dung vat lieu tu nhien ket hop voi hien dai.

Kengo Kuma nổi tiếng là người sử dụng vật liệu tự nhiên kết hợp với hiện đại.

Thế kỷ XXI mang đến những suy nghĩ mới trong làng kiến trúc thế giới, đó là sự thay đổi tư duy về sử dụng các vật liệu tự nhiên, tận dụng ánh sáng nhẹ nhàng hơn. Không phải ngẫu nhiên mà đất nước Nhật lại chọn Kengo Kuma, một kiến trúc sư “yêu” gỗ để xây dựng thủ phủ Olympic trong 2 năm tới. Có lẽ không dự án nào tiết lộ về cách thiết kế của Kuma tốt hơn là dự án sân vận động Olympic ở Tokyo.

Câu chuyện thiết kế của Kengo cũng ly kỳ khi ông lần lượt đánh bại những đối thủ khác không chỉ về hình dáng mà còn là sức mạnh của vật liệu. Theo đó, Zaha Hadid là đơn vị kiến trúc đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế ban đầu nhưng Chính phủ Nhật đã hoãn lại sau 2 năm phát triển vì chi phí cao. Các đối thủ tiềm năng khác (bao gồm cả người Nhật) cũng lần lượt bị loại.

Trong khi quan điểm của Kuma là tránh kiểu thiết kế mang tính biểu tượng mà chi phí cao, thì ông cũng không đi theo kiểu vật liệu cũ của bê tông và thép. “Tôi tin rằng bê tông và thép là những vật liệu của thế kỷ trước, còn nguyên liệu chính cho thế kỷ XXI sẽ là gỗ”, Kuma chia sẻ với báo giới nước ngoài. Trong khi đó, gỗ được sử dụng để xây sân vận động sẽ được lấy từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần năm 2011 ở Nhật.

Với Kuma, bê tông không phải là vật liệu vĩnh cửu dù nó có vẻ như vậy. Những kiến trúc thiết kế hiện đại ngày nay có vấn đề lớn với bê tông trong khi các tòa nhà cũng phải “già”. Các tòa nhà bằng gỗ được kiến trúc sư Nhật tính toán cho sự lão hóa, nhưng mọi người đã quên mất điều này với bê tông.

Ngược lại, Kuma cho biết các tòa nhà truyền thống Nhật được làm từ gỗ có hệ thống thay thế rất thông minh khi cần thiết, trong khi tòa nhà bằng bê tông thì không thể. “Trước khi công nghệ bê tông đến từ châu Âu và Mỹ, chúng tôi đã có một truyền thống lâu đời về các tòa nhà bằng gỗ. Tôi muốn có hệ thống tái thiết tương tự hoặc thay thế bằng một công nghệ mới”, Kuma chia sẻ.

Ngày nay có thể nhìn thấy hàng loạt dự án của Kengo Kuma gắn liền với gỗ, không chỉ tạo ra kết cấu cho cả ngoại thất mà còn nội thất của tòa nhà, từ nhỏ đến lớn. Chẳng hạn như cửa hàng bánh Tokyo, quán cà phê Starbucks, Bảo tàng Nghệ thuật Suntory ở Tokyo,  khách sạn Garden Terrace Nagasaki, SunnyHills, Trung tâm cộng đồng Towada, rạp hát Kabukiza, cho đến các dự án bên ngoài như Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Odunpazari (Thổ Nhĩ Kỳ) hay khu nghỉ dưỡng Tsubomi Villas (Indonesia)...

Kuma tin rằng các tòa nhà bằng gỗ và các tòa nhà bê tông hoàn toàn khác nhau, không chỉ là vật liệu thiết yếu mà còn là cuộc sống bên trong của tòa nhà rất khác biệt. Với dự án ở Việt Nam, Kengo Kuma triển khai phần đế có bề mặt xanh, cũng có lượn sóng và sử dụng nguyên liệu gỗ tái chế. 

Không chỉ là gỗ, Kuma còn được biết đến là người ứng dụng vật liệu tự nhiên nói chung trong xu hướng kiến trúc hiện đại là bền vững và tiết kiệm năng lượng. “Ông là người sử dụng vật liệu tự nhiên kết hợp với hiện đại, chẳng hạn như gỗ và thép. Từng công trình sử dụng vật liệu bản địa trong cái nhìn mới hiện đại và tôn trọng môi trường, tinh tế và nhẹ nhàng, như những kiến trúc truyền thống của Nhật là thanh mảnh và nhẹ nhàng”, kiến trúc sư Huỳnh Thúc Hào nhận định.

Là người lớn lên trong truyền thống cổ truyền Nhật, Kuma đặc biệt quan tâm đến kỹ thuật và công nghệ xây dựng, vật liệu. Theo ông, lịch sử kiến trúc không chỉ là sự thay đổi về kiểu dáng, còn là sự thay đổi về phương pháp thi công và sử dụng vật liệu. Thực tế quan điểm sử dụng vật liệu tự nhiên đã được nhiều kiến trúc sư người Việt ứng dụng và cũng ghi dấu ấn trên trường quốc tế, chẳng hạn như Huỳnh Thúc Hào hay Võ Trọng Nghĩa. “Trong tương lai Việt Nam có nhiều thiết kế trẻ thú vị và được quốc tế quan tâm, tương lai tôi rất muốn hoạt động ở đất nước như thế này”, Kuma nhận định


Theo Nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục