Giữa nỗi lo bong bóng bất động sản có nguy cơ diễn ra trong thời gian tới, vấn đề của dòng vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục được đặt ra.
Vịnh Đà Nẵng đang hot: Dự án lấn biển 8 tỉ USD ?
- Cập nhật : 30/05/2018
Đề xuất về dự án lấn biển 8 tỉ USD tại vịnh Đà Nẵng là thông tin đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Xây dựng đặc khu kinh tế
Nhóm các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Pavilion (Malaysia), Quỹ Bamboo Capital và Công ty CP lương thực Đà Nẵng vừa đề xuất lấn vịnh Đà Nẵng để thực hiện dự án đảo Hoa Sen - Lotus Island. Với đề xuất ban đầu, dự án có quy mô trên 1.400 ha, hình thành từ việc xây dựng lấn biển, ở vị trí cách đất liền khoảng 1 km kéo dài từ vùng biển các khu vực thuộc Q.Thanh Khê và Q.Liên Chiểu.
Dự án dự kiến được xây dựng trong 6 năm, chia làm 2 giai đoạn, với tổng giá trị đầu tư mặt bằng tương đương 8 tỉ USD. Được biết, nếu trở thành hiện thực thì đây sẽ là công trình lấn biển lớn nhất VN, mang tầm cỡ thế giới với quần thể các đảo nhân tạo được ghép nối thành khối hình hoa sen. Giữa các đảo nhỏ là hệ thống các kênh biển có chiều rộng hơn 300 m nối với khu vực hồ điều tiết chính giữa dự án để tạo dòng chảy, đảm bảo cảnh quan và là tuyến giao thông đường thủy nối giữa các đảo.
Nối giữa dự án và đất liền là 4 tuyến cầu vượt biển. Trên đất liền, dự án sẽ bồi lấp lấn biển tạo thành một khu quảng trường trung tâm, công viên biển kéo dài hơn 4 km với diện tích hơn 100 ha. Mục tiêu của dự án là xây dựng một đặc khu kinh tế mới bao gồm các khu chức năng như: khu chung cư cao tầng, trung tâm văn hóa, công viên công nghệ, khu nghỉ dưỡng quốc tế, trung tâm tài chính - thương mại, khu đua Công thức 1, casino, khu bán lẻ miễn thuế, sân golf, bến du thuyền…
Khu đô thị quốc tế Đa Phước - The Sunrise Bay đang tiến hành bồi đắp lấn vịnh Đà Nẵng - ẢNH: HOÀNG SƠN
Lấy cát đáy biển để bồi lấp
Việc thi công siêu dự án đảo Hoa Sen - Lotus Island như thế nào là điều được quan tâm lớn nhất. Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Tấn Củng, Tổng giám đốc Công ty CP lương thực Đà Nẵng, cho biết: Việc tính toán xây dựng lấn biển sẽ áp dụng công nghệ quốc tế.
Đảo Hoa Sen sẽ có diện tích gấp 3 lần đảo Cây Cọ nổi tiếng của Dubai. Theo đó, phương pháp thi công đảo Hoa Sen được tính đến là xây đắp đê biển, tạo các hòn đảo nhỏ theo công nghệ đang được thực hiện tại đảo Cây Cọ, với nguồn cát sẽ được hút từ đáy các khu vực biển xung quanh. Khu vực vịnh Đà Nẵng được đánh giá là vị trí thuận lợi để xây dựng dự án bởi nguồn cát được bồi lấp hằng năm rất lớn khiến địa phương phải nạo vét để đảm bảo giao thông cảng Đà Nẵng.
Được biết trong những năm qua, phía nhà đầu tư Malaysia đã có nhiều cuộc khảo sát thực tế tại khu vực vịnh Đà Nẵng trước khi hoàn thiện ý tưởng trình UBND TP.Đà Nẵng. “8 tỉ USD mới là chi phí để tạo mặt bằng cảnh quan dự án, mục tiêu của dự án là thu hút 100 tỉ USD đầu tư vào Đà Nẵng trong tương lai”, ông Củng nói.
Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP.Đà Nẵng cho hay đã tiếp nhận đề xuất về dự án. Sau cuộc họp với các nhà đầu tư và các sở, ngành liên quan về ý tưởng này, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP đã có báo cáo gửi UBND TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây chỉ mới là đề xuất và hiện ban đang yêu cầu nhà đầu tư hoàn hiện các khâu tiếp theo về phương án quy hoạch, kiến trúc chi tiết, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội, môi trường. Với quy mô dự án như vậy, thẩm quyền quyết định dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ. Do dự án có diện tích mặt biển lớn nên đơn vị này yêu cầu phải lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng về vấn đề an ninh quốc phòng.
Liên minh nhà đầu tư dự án đảo Hoa Sen đề nghị được nghiên cứu bồi đắp đảo nhân tạo tại khu vực quận Liên Chiểu và Thanh Khê - ẢNH: NGUYỄN TÚ
Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, cho hay hiện TP vẫn chưa có chủ trương về dự án này. “Chỉ là đề xuất của chủ đầu tư như rất nhiều đề xuất khác. Vấn đề này theo kênh của Ban Xúc tiến đầu tư TP, TP ghi nhận các ý tưởng để xem xét, nghiên cứu trong điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới”, ông Hùng thông tin. Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT, cũng cho biết hiện Sở TN-MT TP chưa nhận được văn bản thông báo chủ trương đầu tư.
Tháng 3 vừa qua, tại cuộc họp với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan, vấn đề lấn vịnh Đà Nẵng đã được đưa ra mổ xẻ. Theo ông Lê Quang Nam, việc lấn biển không nên làm theo kiểu dàn hàng ngang mà phải có điểm nhấn mà điển hình là như nhà xương cá ở Dubai để đảm bảo bài toán thủy động học. Còn ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT đề xuất UBND TP thi tuyển kiến trúc, thuê chuyên gia quốc tế quy hoạch vịnh Đà Nẵng để hình thành địa điểm đầu tư mới cho TP... Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa lưu ý cần phải có khảo sát, đánh giá cụ thể về tình trạng bồi lấp vịnh Đà Nẵng, đặc biệt “quy luật lấn chỗ này, chỗ khác sẽ bị xâm thực” và chỉ đạo Sở Xây dựng TP khi điều chỉnh quy hoạch chung của TP cần thuê tư vấn lên phương án khai thác vịnh Đà Nẵng.
Nên làm đảo nổi xa bờ ?
Chuyên gia thủy lợi Huỳnh Vạn Thắng (nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng) đề nghị nếu chọn phương án lấn vịnh Đà Nẵng thì nên làm đảo nổi xa bờ, không nên lấp hẳn biển. Trong đó, tác động vào vịnh Đà Nẵng cần chú ý 3 vấn đề. Một là dòng chảy ven bờ có 2 mùa, mùa trên phía bắc chảy xuống và mùa từ phía nam chảy lên; hai là chế độ gió gây ra sóng lớn, nhất là gió mùa đông bắc; ba là tác động của thiên tai bão và lũ. Vịnh Đà Nẵng tuy nhỏ nhưng có 2 sông và cửa sông lớn là sông Cu Đê và sông Hàn. Mùa lũ, nước từ 2 cửa sông đổ ra vịnh rất lớn, mang theo cát chảy ra. Nguyên tắc lấn vịnh phải chú ý không nên ảnh hưởng 2 dòng chảy là dòng chính và dòng thứ cấp, muốn vậy trước khi thực hiện phải đánh giá được dòng chảy.
Theo ông Thắng, nhà đầu tư có thể tham khảo kinh nghiệm của khu đô thị quốc tế Đa Phước - The Sunrise Bay, đang trong giai đoạn 2 của việc bồi lấn hơn 200 ha ra vịnh Đà Nẵng: “Khi The Sunrise Bay làm kè đá giúp tiêu hao được năng lượng sóng, dòng chảy ven bờ đã giúp bờ biển thêm rộng ra, tạo thành một bãi bồi. Nhưng ngược lại dòng ven bờ cũng làm cho khu vực cầu Phú Lộc bị khoét vào sâu hơn do biến đổi dòng chính và dòng thứ cấp”.
Tổng cục Môi trường chưa nhận được thông tin
TS Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho biết đến nay chưa nhận được thông tin gì về dự án lấp vịnh Đà Nẵng thành đảo nhân tạo, bồi lấp vùng ven bờ vịnh này. Theo những thông tin về dự án mà Báo Thanh Niên cung cấp, TS Đồng cho hay việc nạo vét tại chỗ để san lấp mặt bằng hay bồi lấp thành đảo nhân tạo ở biển cần phải được đánh giá tác động đến môi trường, hệ sinh thái biển... Bên cạnh đó, nếu lấy vật liệu san lấp từ các nguồn nạo vét khác... như hút cát ở đáy biển thì cũng cần đánh giá tác động trong quá trình vận chuyển, san lấp. “Nếu được triển khai thì đây là dự án cực lớn, rất nhạy cảm về môi trường. Để đánh giá tác động môi trường cần có thông tin cụ thể về dự án, khảo sát môi trường biển khu vực dự kiến làm dự án”, TS Đồng nói.
Lê Quân
TRần Phương - Nguyễn Tú - Hoàng Sơn
Theo Thanhnien.vn