Cứ ngỡ đầu tư vào mua nhà để cho thuê sẽ sinh lời nhanh và an toàn, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư bắt đầu “vỡ mộng” vì thị trường trầm lắng từ năm 2016 tới nay.
Thị trường bất động sản TP.HCM: Nhà, đất bị thổi giá
- Cập nhật : 28/03/2017
Giá bất động sản tại một số khu vực ở TP HCM đang bị đẩy lên 20%-40% so với cuối năm 2016. Giới kinh doanh dự báo đây là cơn sóng cuối cùng của bất động sản 2017
Ngày 26-3, anh Thiện - chủ khu đất nền rao bán cách đây vài tuần ở phường 15, quận Tân Bình - cho biết đã bán hết. “Anh cần, tôi sẽ giới thiệu một số người mua đất của tôi nhưng muốn bán lại kiếm lời. Giá một mét vuông ở đây đã lên trên 40 triệu đồng, trong khi lúc tôi bán chỉ 38 triệu đồng” - anh Thiện nói.
Tăng theo tin đồn
Tại quận 9, ông Lê Minh Châu - chủ một thửa đất nông nghiệp 5.300 m2, tọa lạc 3 mặt tiền đường thuộc phường Long Trường, gần khu vui chơi giải trí The BCR - chào bán 3 triệu đồng/m2.
Khi chúng tôi thắc mắc giá quá cao, ông chỉ tay vào sổ đỏ và bản đồ hiện trạng lô đất và cho rằng năm ngoái, ông bán hơn 2,5 triệu đồng/m2 nhưng gần đây, thị trường đồn đoán khu vực này sẽ được nhà nước quy hoạch thành khu dân cư nên giá tăng lên. “Trong tương lai, đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi thành đất thổ cư. Vì thế, không chỉ tôi mà nhiều chủ đất ở đây đồng loạt đẩy giá đất lên” - ông Châu lý giải.
Anh Việt, người làm môi giới cho ông Châu, cho rằng từ năm 2016, quận 9 là một trong những nơi để nhà đầu tư bất động sản “lướt sóng”. Người này mua rồi bán lại cho người khác và qua nhiều lần giao dịch, giá đất tăng thêm 10%-20%.
“Nếu anh không rành về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì mua rồi bán lại cho người khác để kiếm lời. Người mua sau sẽ bán cho người sau nữa và đến một lúc nào đó sẽ có người đầu tư cơ sở hạ tầng, xin phép cơ quan quản lý chuyển đổi thành đất thổ cư. Khi đó, nhiều người khác lại dồn vốn vào đất thổ cư rồi mua, bán lại cho người kế tiếp. Cứ thế, qua mỗi lần giao dịch, giá bị đội lên và hiện đất thổ cư đã lên 12 triệu đồng/m2” - anh Việt phân tích.
Một thông tin khác mà giới kinh doanh nhà đất đang bàn tán là Tập đoàn Tuần Châu có ý định xây dựng khu đô thị ở huyện Củ Chi. Trong khi nhiều người mù mờ về ý định này thì giá đất ở Củ Chi cứ “lù lù” đi lên. Một hộ dân ở mặt tiền Quốc lộ 22 (huyện Củ Chi) cho biết trước Tết Đinh Dậu, giá đất ở nơi này chỉ khoảng 18 triệu đồng/m2 nhưng gần đây, có người chào mua 22 triệu đồng/m2. Còn đất nhỏ lẻ ở thị trấn Củ Chi đã vọt lên 10-12 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, thông tin không chính thức về một phần của huyện Bình Chánh sẽ được tách ra để thành lập quận Bình Châu; huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh được nâng cấp thành quận cũng thu hút khá nhiều người bỏ vốn vào nhà đất, giới kinh doanh lợi dụng đẩy giá bất động sản lên.
Anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ thẩm định giá bất động sản một ngân hàng ở TP HCM, nhìn nhận cách đây một năm, giá đất ở xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh dao động 15-20 triệu đồng/m2. Thế nhưng, đến cuối năm 2016, do nhiều người tập trung đầu tư nhà đất ở khu vực này, giới cò bất động sản tung chiêu làm giá khiến giá đất tăng chóng mặt và hiện lên tới 30 triệu đồng/m2. Đơn cử, giá đất trên đường Lê Thị Hà, huyện Hóc Môn từ 25 triệu đồng/m2 đã lên 40 triệu đồng/m2.
Thu gom nhà nhỏ lẻ
Đề cập giá bất động sản vùng ven, một số người chuyên làm dịch vụ chuyển nhượng nhà đất cho rằng sau khi dự án mở rộng cầu Hang Trong (đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp) khởi công vào đầu năm 2016, các lô đất thuộc nhiều dự án biệt thự của City Land dọc đường Phan Văn Trị thu hút nhà đầu tư khiến giá đất ở đây tăng khoảng 30%-40%. Từ đó, giá nhà đất nhỏ lẻ ở quận Gò Vấp, quận 12 tăng theo.
Cách đây 1 năm, chị Trần Thị Tuyết Minh mua lô đất mặt tiền đường TA 19 (quận 12) với giá 1,4 tỉ đồng rồi thêm 700 triệu đồng xây nhà. “Đầu năm 2017, giới kinh doanh chào mua nhà của tôi 2,5 tỉ đồng, tính ra giá trị lô đất lên 1,7 tỉ đồng nhưng tôi không bán vì giá nhà đất đang tăng vù vù ” - chị Minh bộc bạch.
Theo giới kinh doanh, ngoài tác động từ các dự án của City Land, nguyên nhân giá nhà đất ở 2 quận Gò Vấp và 12 tăng đột biến là do một số đầu mối kinh doanh bất động sản thu gom hàng trăm căn nhà giá 2-3 tỉ đồng trở xuống. Sau đó, họ bán lại với giá cao hơn 20%. Người mua những căn nhà này lại bán tiếp cho người khác với mức sinh lời 10%-15%. Cứ thế, thị trường nhà đất ở khu vực này thiết lập mặt bằng giá mới. Người dân căn cứ vào mặt bằng giá này để rao bán, vô hình trung giá nhà đất bị đẩy lên cao.
Không phải giá thật
Lãnh đạo một công ty quản lý bất động sản tại TP HCM nhận xét hầu hết giao dịch bất động sản hiện nay không phải của người mua nhà đất để ở mà chỉ là sự chuyển nhượng của giới đầu cơ. Theo vị này, do đất ở nội thành ngày càng khan hiếm, giới kinh doanh phải chuyển ra vùng ven rồi găm hàng, làm giá.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành, cho rằng do giá bị giới kinh doanh đẩy lên nên nhiều người đổ xô mua nhà đất với mục đích bán lại kiếm lời. Vì thế, mức giá bất động sản hiện không thật.
“Đây là cơn sóng cuối cùng của thị trường bất động sản, đến cuối năm 2017 sẽ đảo chiều. Người nào đã bỏ vốn vào bất động sản, nếu sớm thoát ra thì thắng, còn ôm hàng sẽ lãnh đủ. Năm 2016, tuy thị trường TP HCM tiêu thụ khoảng 50.000-70.000 căn hộ nhưng người mua chủ yếu là giới đầu cơ và chắc chắn họ phải bán ra khi giá tăng. Như thế, nguồn cung bất động sản sẽ tăng mạnh trong khi sức mua đang giảm, giá nhà đất tất yếu đi xuống” - ông Nghĩa cảnh báo.
Có thể bán tháo căn hộ
Một số người am hiểu thị trường bất động sản khuyến cáo tại thời điểm này, những người bỏ vốn vào nhà đất có thể đối mặt rủi ro trong tương lai bởi hầu hết dự án nhà ở tại TP HCM đang hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao. Trong khi đó, phần lớn người mua căn hộ là giới đầu cơ, thường sử dụng vốn vay ngân hàng, trả góp hằng tháng.
Ngoài ra, ngân hàng ngày càng thắt chặt cho vay bất động sản. Vì thế, sắp tới, nhiều khả năng giới đầu cơ sẽ thiếu hụt vốn, buộc phải bán tháo để trả nợ ngân hàng.
Thy Thơ
Theo nld.com.vn