Thiếu quỹ đất, thiếu nguồn vốn đầu tư… là những tồn tại cơ bản nhất trong số hàng loạt khó khăn khiến việc phát triển nhà ở xã hội khó “hút” chủ đầu tư và vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Thị trường bất động sản: Dự án Kenton rã băng
- Cập nhật : 07/06/2017
Sẽ rất thú vị để chờ xem Kenton Node liệu có đổi vận thành công, hay một lần nữa gục ngã.
Sau 6 năm ngủ đông, dự án đình đám một thời ở khu Nam Sài Gòn Kenton Residences đã quay trở lại với tên gọi mới Kenton Node - Hotel Complex. Công ty Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên, chủ đầu tư dự án này, kỳ vọng với việc thay đổi lớn ở khâu thiết kế, sự phục hồi của thị trường bất động sản, cùng hợp lực của nhiều đối tác trong và ngoài nước, Kenton sẽ thoát xác thành công. Liệu điều này sẽ trở thành hiện thực?
Sống dậy từ tro tàn
Khởi công vào năm 2009, với quy mô 8,3ha, hệ số sử dụng đất chỉ 3,06, liền kề với khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Kenton Residences được thị trường kỳ vọng sẽ trở thành một biểu tượng mới ở khu Nam Sài Gòn. Tổng vốn đầu tư của dự án được loan báo lên đến 300 triệu USD.
Các đối tác tham gia với Tài Nguyên khi đó cũng là những tên tuổi lớn như Architects 61 (Singapore) đảm nhận khâu thiết kế, Coteccons làm tổng thầu xây dựng. Giá bán của Kenton vào thời điểm đó khá đắt, lên đến 2.250 USD/m2.
Dù vậy, Kenton Residences không may mắn khi ra đời đúng lúc thị trường đạt đỉnh. Con lốc suy thoái của bất động sản ngay sau đó đã khiến năng lực tiêu thụ của dự án chậm lại. Không bán được hàng và gặp khó khăn về nguồn vốn, năm 2011, chủ đầu tư Tài Nguyên đã quyết định tạm dừng dự án.
Điểm yếu của Kenton có thể nằm ở việc chậm thích nghi với những thay đổi của thị trường. Giữa lúc khó khăn ấy, các chủ đầu tư khác đã nhanh chân tìm ra giải pháp đối phó như Hoàng Anh Gia Lai hạ gấp đôi giá bán dự án Hoàng Anh River View, Sài Gòn Mekong giảm giá dự án An Tiến, Novaland đẩy nhanh tiến độ xây dựng Sunrise City. Nhưng Tài Nguyên không có những hành động mạnh mẽ tương tự. Hệ quả kéo theo là hàng ngàn tỉ đồng bị chôn vùi trong các khối bê tông lạnh ngắt, trơ trọi cùng năm tháng.
Nhưng quá khứ rồi cũng dần qua. So với trước đây, lần trở lại này của Kenton được tổ chức khá bài bản khi chủ đầu tư định hướng phát triển dự án theo một mô hình phức hợp tổng thể hơn, dưới tên gọi mới Kenton Node - Hotel Complex.
Sau nhiều nỗ lực, dự án đã được chấp nhận điều chỉnh lại diện tích, từ 125-139m2 như thiết kế cũ xuống mức 47-142m2 để phù hợp với túi tiền của người mua. Bên cạnh khu căn hộ, Kenton Node sẽ có khu condotel gồm 586 căn, khách sạn 5 sao gồm 288 phòng, 565 căn hộ dịch vụ do tập đoàn khách sạn Minor quản lý. Đặc biệt, dự án này cũng dành riêng một tháp cho bạn trẻ khởi nghiệp với tổng cộng 1.040 văn phòng cho thuê mang tên Startup Tower.
Khối đế bán lẻ cũng mở rộng từ 20.000m2 lúc trước lên 30.000m2. Tài Nguyên đã chọn JLL Việt Nam làm đơn vị tư vấn và phân phối độc quyền trung tâm bán lẻ. Dự kiến Kenton Node sẽ chính thức ra mắt thị trường vào quý III năm nay.
Các ngân hàng cũng đồng ý hỗ trợ Tài Nguyên tái khởi động dự án với quy mô vốn khá lớn. BIDV và Maritime Bank cho biết sẽ bổ sung thêm 1.060 tỉ đồng cho Kenton Node. Có lẽ các ngân hàng không còn cách nào khác phải tiếp tục đồng hành với Kenton. Bởi nếu dự án không tái khởi động và bán hàng không thành công, ngân hàng sẽ khó thu hồi được khoản tín dụng cho vay trước đó, gây áp lực lên tỉ lệ nợ xấu cũng như lợi nhuận của chính ngân hàng.
Thách thức phía trước
Sự tham gia của nhiều đối tác trong và ngoài nước vào thời điểm này có thể xem là may mắn cho chủ đầu tư Tài Nguyên, bởi theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đáng lẽ Kenton Residences nên được đưa trở lại thị trường sớm hơn, tức các năm trước đó khi trùng với giai đoạn phục hồi và tăng tốc của thị trường.
Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu trầm lắng hơn hẳn 2 năm trước. Những lo ngại về nguồn cung quá lớn trên phân khúc cao cấp cùng tín hiệu siết chặt lại tín dụng đối với bất động sản từ Ngân hàng Nhà nước đang tạo sức ép tâm lý cho người mua và các chủ đầu tư vào thời điểm này.
Theo ghi nhận của CBRE Việt Nam, tổng sản lượng căn hộ giao dịch thành công tại TP.HCM trong 3 tháng đầu năm chỉ đạt 6.051 căn, giảm đến 47% so với quý trước và 29% so với cùng kỳ năm trước.
Trong biểu đồ các giai đoạn của một chu kỳ phát triển, TP.HCM và Hà Nội đang ở giai đoạn phát triển nhanh nhưng tiệm cận với giai đoạn tăng trưởng chậm lại và suy thoái. “Biểu hiện của thị trường TP.HCM cho thấy giai đoạn phục hồi đã trôi qua và tiếp chuyển mạnh mẽ sang chu kỳ phát triển nhanh tích cực. Tuy nhiên, dấu hiệu sụt giảm đã bắt đầu xuất hiện. Duy trì giai đoạn phát triển nhanh này trong bao lâu để giữ được khoảng cách an toàn với chu kỳ giảm và lao dốc là phụ thuộc vào sự điều tiết của thị trường mạnh mẽ tới đâu”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc nghiên cứu của CBRE Việt Nam, khuyến cáo.
Nhưng bên cạnh các yếu tố rủi ro về thị trường nói trên thì cơ hội vẫn hiện diện. Khác với các năm trước, từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều tín hiệu sôi động hơn đã xuất hiện tại khu Nam Thành phố. Chỉ tính riêng trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ, nơi Kenton trú ngụ, hiện có hơn 30 dự án đang xây dựng và chào bán.
Lý do là nhà đầu tư hiện đặt kỳ vọng vào các dự án hạ tầng lớn sắp được triển khai như dự án hầm chui ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, dự án cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 với quận 7, hay đề án quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ sẽ gia tăng tính hấp dẫn cho thị trường khu vực trong các năm tới. Đặt trong bối cảnh có khá nhiều cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau, sẽ rất thú vị để chờ xem Kenton Node liệu có đổi vận thành công hay một lần nữa gục ngã.
Sơn Nguyễn
Theo nhipcaudautu.vn