tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Người nước ngoài có thể sở hữu nhà 99 năm

  • Cập nhật : 02/08/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chỉnh lý dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo hướng tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà đến 99 năm

Ngày 2-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu). Tham dự có Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính; lãnh đạo các bộ, ngành và 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang - những địa phương đang xúc tiến xây dựng các đề án đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Tạo ưu thế vượt trội

Góp ý cho dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) soạn thảo, các đại biểu đã tập trung vào một số nội dung như phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng, chính sách đặc thù thu hút đầu tư, chính sách về đất đai, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, mục tiêu, định hướng ngành nghề và ưu tiên thu hút đầu tư vào các đặc khu… Các ý kiến nhất trí cho rằng dự thảo luật cơ bản quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị. Công tác chuẩn bị đúng quy trình, cơ bản tốt.

phu quoc (kien giang) se tro thanh mot trong 3 don vi hanh chinh - kinh te dac biet anh: ngoc trinh

Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ trở thành một trong 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Ảnh: NGỌC TRINH

 

Đa số ý kiến cho rằng để tạo ưu thế vượt trội cho các đặc khu, dự thảo luật cần vượt trên các quy định hiện hành. Chẳng hạn, Luật Đất đai hiện hành cho phép giao đất, cho thuê đất tối đa 70 năm đối với đất trong khu kinh tế, trong khi tại nhiều đặc khu trên thế giới, thời hạn này đến 99 năm. Cần tạo dựng "sân chơi mới" hấp dẫn, minh bạch, ổn định, phù hợp với tập quán quốc tế, mở cửa thị trường, xóa rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh…

Nhiều đại biểu đề xuất mục tiêu là làm cho các đặc khu có sức cạnh tranh quốc tế, có sức lan tỏa, trở thành cực tăng trưởng của cả nước.

Bảo đảm tính đột phá, linh hoạt

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ quan soạn thảo là Bộ KH-ĐT tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật và trình các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng thời hạn để có thể trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 10 tới.

Nhấn mạnh quyết tâm xây dựng luật tốt nhất, bảo đảm bền vững trong phát triển, Thủ tướng nêu rõ tinh thần phải bảo đảm cạnh tranh quốc tế và khu vực, đi tắt đón đầu, tìm lợi thế so sánh để thu hút. Bộ KH-ĐT phải cập nhật thông tin mới nhất về đặc khu để có lợi thế so sánh, trước hết là những vấn đề về nhà đầu tư chiến lược. "Trong quá trình xây dựng cần đánh giá tác động, lợi người, lợi ta là cái gì, trước mắt, lâu dài là gì, không nên chỉ nhìn vào mặt bất cập rồi bàn lùi" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhất trí việc cần tạo lập khung thể chế vượt trội, vượt trên các luật hiện hành, có chính sách đặc thù trên tinh thần kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, chính sách mở cửa thị trường, giảm thiểu việc áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh tại đặc khu…

Về chính sách sử dụng đất đai, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà đến 99 năm, cho phép thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Cần quy định có tính định hướng các ngành nghề khuyến khích đầu tư vào đặc khu ở những lĩnh vực Việt Nam đang cần, phát huy lợi thế của từng đặc khu.

Về phương thức quy định chính sách ưu đãi đầu tư, cần bảo đảm tính đột phá, linh hoạt trong việc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư trên cơ sở khung chính sách ưu đãi quy định tại luật này. 


Thế Dũng
Theo Nld.com.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục