Sự dịch chuyển dòng vốn nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam đang đón những tín hiệu tích cực. Không chỉ là những đại gia quen thuộc từ Singapore, Hàn Quốc mà dòng tiền đang có con sóng ngầm từ Trung Đông, Nhật Bản và Hoa Kỳ...
Khuất tất trong chuyển vốn tại dự án BOT quốc lộ 51: Những uẩn khúc cần làm rõ
- Cập nhật : 24/03/2016
(Bat dong san)
Ngày 9.3, Bộ GTVT thành lập đoàn kiểm tra và mới đây đến lượt Bộ trưởng Bộ Xây dựng có chỉ đạo Thanh tra Bộ vào cuộc, trước mắt yêu cầu TCty CP DIC CORP và TCty IDICO báo cáo bằng văn bản về tình hình góp vốn, đầu tư, thoái vốn trong quá trình đầu tư mở rộng quốc lộ 51 (QL51) theo hình thức BOT; đồng thời giải trình rõ những vấn đề báo chí nêu.
Căn nhà số 95 Đặng Văn Ngữ (ngoài cùng từ trái qua) là nơi Cty Thái Ninh đăng ký làm địa chỉ giao dịch. Ảnh: P.V
4 năm thu phí, dự án còn ngổn ngang
Theo báo cáo ban đầu của BQL dự án BOT QL51, dù thu phí 4 năm nay nhưng cho đến bây giờ, ngoài việc chưa tiến hành quyết toán và còn nợ các nhà thầu thi công khoản nợ lên tới 300 tỉ đồng, dự án này vẫn còn nhiều tồn tại gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Cụ thể, tại một số gói thầu do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa hoàn thiện hoặc hoàn thiện chậm dẫn đến nhà thầu thi công không thể hoàn thành theo tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư. Như tại gói thầu XL51-01, phần vỉa hè mặt bằng bàn giao không đồng bộ, liên tục dẫn đến không thể triển khai thi công đồng loạt; gói thầu XL51-15 chưa triển khai thi công được do người dân chưa bàn giao mặt bằng; gói thầu XL51-04 chưa hoàn thiện dải phân cách giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ; trạm kiểm tra trọng tải xe (dự toán 50 tỉ đồng) nhưng kéo dài từ 2013 tới nay chưa thỏa thuận được mặt bằng để triển khai thi công.
Chính những tồn tại này mà người tham gia giao thông hằng ngày bỏ tiền qua các trạm thu phí cho rằng việc BQL dự án “nhanh nhảu” thu phí trong khi các hạng mục chưa hoàn thành là gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vận tải. Điều đáng nói, chủ đầu tư thừa nhận là chưa quyết toán, chưa qua kiểm toán nhưng vẫn thu phí là trái với quy định.
Trong khi đó vào ngày 25.9.2015, Bộ GTVT thông báo kết luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp về thanh tra, kiểm toán các dự án BOT mà theo đó, Bộ trưởng Thăng quyết định: “Tất cả các dự án BOT trong 6 tháng kể từ khi đưa vào khai thác phải thực hiện quyết toán và ký hợp đồng chính thức, xác định thời gian thu phí.
Dự án nào không thực hiện quyết toán, Vụ Tài chính tham mưu bằng văn bản yêu cầu dừng thu phí” và “nếu không hoàn thành quyết toán, xác định chính xác thời gian thu phí sẽ không được tiếp tục thu phí”. Vậy mà dự án BOT trên đã 4 năm thu phí nhưng chưa quyết toán, chưa xác định thời gian thu phí chính xác (thời gian thu phí hiện nay vẫn tính trên dự toán tổng đầu tư).
Những uẩn khúc
Như báo Lao Động đã đăng ở những số báo trước, việc cổ đông sáng lập là BIDV chuyển nhượng cổ phần cho Cty Thái Ninh mà không thông báo với Chính phủ và Bộ GTVT là trái với quy định. Tiếp đến, một cổ đông khác là Cty CP đầu tư phát triển xây dựng cũng chuyển nhượng toàn bộ số vốn của mình (tương đương 25% vốn điều lệ, 43.750.000 cổ phần tại Cty phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, BVEC) theo hợp đồng số 02/CNCP/DIC-Thai Ninh ký ngày 12.9.2014 cũng không hề báo cáo theo quy định.
Căn nhà ở số 95 Đặng Văn Ngữ - Hà Nội (dấu X) là nơi Cty Thái Ninh (cổ đông hiện hữu duy nhất tại BVEC sau khi IDICO thoái vốn) đăng ký làm địa chỉ giao dịch. Người dân cho biết, ngôi nhà này chỉ dùng để ở...
Một uẩn khúc khác, là khi IDICO có ý rút toàn bộ vốn đã góp tại dự án là 56,550 tỉ đồng, Bộ Xây dựng đã “bật đèn xanh” để IDICO chuyển nhượng cho Cty Thái Ninh. Trong công văn số 282/BXD-QLDN do Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh ký ngày 19.2.2016 có nêu ý kiến của Bộ Xây dựng: “Giao hội đồng thành viên IDICO xây dựng phương án thoái vốn tại BVEC… xem xét ưu tiên quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu là cổ đông sáng lập tại BVEC”.
Như vậy có thể hiểu “định hướng” của Bộ Xây dựng là để IDICO bán cổ phần cho Cty Thái Ninh - hiện là cổ đông hiện hữu duy nhất tại BVEC (sau khi IDICO thoái vốn). Song trong văn bản của Bộ Xây dựng đã có sự không chính xác: Thái Ninh không phải là cổ đông sáng lập BVEC!
Cũng xin nhắc lại, chính ông Nguyễn Văn Đạt - Tổng Giám đốc IDICO - cũng cho rằng: “Chỉ đạo của Bộ Xây dựng (theo văn bản 282/BXD-QLDN do Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh ký ngày 19.2.2016) yêu cầu IDICO ưu tiên chuyển nhượng cho Thái Ninh là sai bởi Thái Ninh “chưa phải là nhà đầu tư được Bộ GTVT chấp thuận, chưa góp vốn chủ sở hữu và không có năng lực thực hiện dự án…”.
Vậy Thái Ninh là công ty nào, khả năng ra sao mà có khả năng sở hữu tỉ lệ vốn lớn tại dự án có tổng vốn lên tới gần 4.000 tỉ đồng? Tìm hiểu về Cty Thái Ninh, chúng tôi thấy còn nhiều điều chưa được giải đáp rõ ràng. Ngay trong hợp đồng 02/CNCP/DIC-Thai Ninh thì phần thông tin bên B - tức là Cty Thái Ninh - cũng khá ngắn gọn: Cty này có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0102588119 do Sở KHĐT Hà Nội cấp ngày 26.12.2007, thay đổi lần 1 ngày 19.7.2011. Cty do bà Phạm Thị Bích Ngà đăng ký làm giám đốc và địa chỉ Cty tại số 95 Đặng Văn Ngữ - Đống Đa - Hà Nội.
Ngày 23.3.2016, PV Báo Lao Động đã tìm đến địa chỉ này và theo ghi nhận ban đầu: Số 95 Đặng Văn Ngữ là một căn nhà cao 6-7 tầng, không hề có biển hiệu Cty nào và theo một người bán nước thì đây chỉ là nhà dân ở.
“Dự án quốc lộ 51 không minh bạch, chất lượng kém”
Trao đổi với PV, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng dự án đầu tư QL51 là không minh bạch, chất lượng kém, dân kêu ca nhiều. Ông Liên nhận định: Việc một dự án nghìn tỉ như vậy mà DN BOT vốn chỉ có 10% là một điều rất vô lý vì một trong những điều kiện để đấu thầu dự án BOT là năng lực tài chính của đơn vị đấu thấu mà việc DN chỉ có 10% vốn cho thấy năng lực của DN này là quá yếu kém.
Không chỉ vậy, còn một điều phi lý khác là đến khi làm xong đường rồi chưa nghiệm thu mà vẫn tiến hành thu phí. Ông Liên đặt ra nghi vấn việc phân bổ công trình đó là không minh bạch “phải chăng đây là vấn đề lợi ích nhóm”.
Về vấn đề phí BOT, ông Liên cho rằng BOT ở Việt Nam cao quá, cao nhất khu vực, cao hơn bên Trung Quốc, cao hơn Thái Lan và việc nâng phí được lãnh đạo Bộ GTVT lý giải là để bảo vệ nhà đầu tư hoàn vốn. Ông Liên bức xúc nói: “Người ta hỏi rằng anh bảo vệ dân hay bảo vệ nhà đầu tư? Anh bảo vệ xã hội, cộng đồng hay nhà đầu tư? Trong khi rõ ràng, dự án đó là hợp đồng kinh tế, anh đã tính toán cẩn thận chưa? Đã đưa ra công bố cho toàn dân biết chưa hay là anh cứ ký rồi cuối cùng dân phải chịu hết.
Ai cũng biết đầu tư cầu đường để phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh và được mọi người ủng hộ nhưng phải phù hợp với thu nhập của dân, chứ cứ làm theo phong trào, cứ xã hội hoá theo phong trào để lập thành tích thì nhiều khi sẽ đẩy người dân vào hoàn cảnh rất khó”. Ông Liên đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét lại tiến trình, lộ trình đầu tư BOT, phải có kiểm toán độc lập để kiểm tra lại giá thành BOT.
K.H