30 người đầu tiên mua biệt thự Vinhomes Riverside từ ngày 15/1 đến hết ngày 7/2/2016 sẽ được miễn phí dịch vụ quản lý trong 5 năm hoặc hưởng chuyến du lịch châu Âu dành cho 2 người.
Điểm mặt những vụ tranh chấp bất động sản “đình đám” năm 2015 (P1)
- Cập nhật : 16/12/2015
(Bat dong san)
Sau cả thời gian dài gặp khó, thị trường bất động sản 2015 đã có sự bứt phá ngoạn mục về thanh khoản. Tuy nhiên đi liền với sự hồi phục, có thể nói chưa khi nào thị trường lại chứng kiến nhiều vụ tranh chấp nảy lửa đến vậy.
Năm 2015 sắp qua đi, cùng chúng tôi nhìn lại những vụ tranh chấp bất động sản nổi bật nhất của năm nay.
Keangnam Landmark Tower, Phạm Hùng, Từ Liêm, Hà Nội
Dạng tranh chấp: Diện tích căn hộ, phí dịch vụ, chất lượng dịch vụ
Cao trào: Cư dân gửi văn bản kêu cứu Thủ tướng Chính phủ
Keangnam Landmark Tower tọa lạc tại mặt đường Phạm Hùng, cao 72 tầng và là tòa nhà cao nhất Việt Nam với các dịch vụ căn hộ được quảng cáo vào loại hiện đại nhất mang tầm châu lục.
Thế nhưng, đây cũng là một trong những dự án bất động sản dính nhiều bê bối nhất tính cho đến thời điểm hiện tại. Hầu hết các dạng tranh chấp đều đã xảy ra tại dự án này như: tranh chấp diện tích căn hộ, phí dịch vụ trên trời, dằn mặt cư dân, dịch vụ xuống cấp, chủ đầu tư dính nghi án chuyển giá….
Trong nhiều năm qua, cư dân tại chung cư Keangnam đã liên tục biểu tình, phản đối chủ đầu tư, thậm chí có nhiều cư dân đã khởi kiện chủ đầu tư dự án này ra tòa án.
Năm 2015, bên cạnh chuyện tố chất lượng dịch vụ, phí dịch vụ cao... câu chuyện nóng tại Keangnam Landmark Tower vẫn là vấn đề tranh chấp quỹ bảo trì đã kéo dài nhiều năm nay.
Theo phản ánh của cư dân, Chung cư Keangnam được xây dựng từ năm 2008 đến 2011 được đưa vào sử dụng, với 922 căn hộ cao cấp, giá bán trung bình 60 triệu đồng/m2 nên quỹ bảo trì chung cư Keangnam theo ước tính của Ban quản trị khoảng 160 tỷ đồng (chưa tính lãi suất ngân hàng), trong khi phía chủ đầu tư Keangnam thông báo chỉ là 125 tỷ.
Theo xác nhận của Công ty TNHH MTV Keangnam Vina - chủ đầu tư tòa nhà, quỹ bảo trì có 125 tỷ đồng, tuy nhiên, phía cư dân cho rằng, số tiền của quỹ là gần 160 tỷ đồng (chưa kể tiền lãi).
Sau nhiều động thái quyết liệt từ các cơ quan chức năng như UBND quận Nam Từ Liêm, Sở Xây dựng, Thanh tra Xây dựng, vào cuộc điều tra của cơ quan Công an..., nhưng theo phản ánh của cư dân, phía Công ty Keangnam Vina vẫn không có nhiều biến chuyển đáng kể trong việc giao lại 160 tỷ đồng quỹ bảo trì cho ban quản trị tòa nhà và cư dân.
Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi cư dân đã gửi văn bản kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ trước lo ngại mất trắng toàn bộ số tiền 160 tỷ đồng phí bảo trì. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thông tin từ Ban Quản trị chung cư Keangnam cho biết, tại cuộc họp UBND Quận Nam Từ Liêm đã ra công văn số 652/UBND-QLĐT yêu cầu Công ty TNHH MTV Keangnam Vina có trách nhiệm bàn giao kinh phí bảo trì 2% của tòa nhà xong trước ngày 10/6/2015.
Tuy nhiên, sự việc tiếp tục cho thấy có chiều hướng diễn biến phức tạp và khả năng sẽ còn kéo dài trong năm tiếp theo...
Chung cư Sky City 88 Láng Hạ, Hà Nội
Vấn đề tranh chấp: Diện tích sở hữu chung - riêng, quỹ bảo trì, sai phạm trong xây dựng
Cao trào tranh chấp: Khách hàng biểu tình
Chung cư cao cấp Sky City 88 Láng Hạ, Hà Nội có vị trí vàng, do Công ty TNHH Hanotex làm chủ đầu tư. Thời điểm cách đây khoảng 5 năm, để sở hữu được một căn hộ cao cấp tại tòa nhà này, khách hàng phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ vào khoảng 7 - 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của cư dân, trong suốt 5 năm qua, cuộc sống của họ vẫn bất an khi cuộc chiến giữa cư dân và chủ đầu tư liên tục leo thang và không có tín hiệu cho thấy có hồi kết.
Cư dân tòa nhà cho biết, hiện chủ đầu tư vẫn chiếm dụng nhiều tỷ đồng quỹ bảo trì, không trả cho cư dân, trong khi nhiều hạng mục, máy móc của tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.
Đáng chú ý nhất là việc tranh chấp lối đi tại dự án này, một dự án cao cấp với nhiều căn hộ cả nửa triệu đô la nhưng lối đi trong suốt 5 năm qua, chủ đầu tư tiết lộ là do họ đi thuê lại và cư dân chỉ được "mượn tạm". Hiện lối đi vào dự án chỉ rộng khoảng hơn 3m và phải đi chung với dãy nhà khác...
Cũng theo tố cáo của cư dân, chủ đầu tư đã cố tình xây dựng sai phép nhiều hạng mục công trình của dự án, tiêu biểu như: Tự ý cơi nới xây thêm các căn hộ penthouse tại tầng kỹ thuật mái và tầng mái của cả 2 tòa nhà A và B; Sử dụng một nửa diện tích tầng kỹ thuật tòa nhà B để làm văn phòng cho thuê; phá thang đi bộ và sữa chữa sai thiết kế để bịt lối đi xuống của cư dân,...
Thậm chí, khi có văn bản của Sở Xây dựng yêu cầu xử lý vi phạm nhưng chủ đầu tư dự án này vẫn chây ỳ, phớt lờ không thực hiện.
Sự việc được nóng lên khi ban quản trị tòa nhà đã gửi văn bản về sai phạm của chủ đầu tư đến các cơ quan chức năng và báo chí. Dư luận đã chứng kiến một cuộc chiến trên cả truyền thông lẫn ngoài thực tế khi hàng trăm cư dân đã tiến hành biểu tình ngay tai sân giữa 2 tòa chung cư này.
Chung cư Thăng Long Number One, Hà Nội
Vấn đề tranh chấp: Sở hữu diện tích chung - riêng tại dự án
Dự án chung cư Thăng Long Number One được phê duyệt từ 2009, tổng thể khu đất 39.062m2, gồm 5 khối nhà: 1 khối văn phòng làm việc 17 tầng, 2 khối nhà ở cao 40 tầng (tòa A và tòa B –giai đoạn 2); 1 khối văn phòng 25 tầng và 1 khối nhà ở 30 tầng (giai đoạn 3).
Giai đoạn 2 của dự án gồm 2 khối nhà chung cư 40 tầng cùng với các hạng mục khu tiểu cảnh, vườn cây cùng khu sân chơi trẻ em tại trước tòa nhà A.
Được biết, tại cuộc họp hồi tháng 9 vừa qua, sau nhiều lần đấu tranh của cư dân, họp bàn liên quan, chủ đầu tư dự án đã quyết định giao thiết kế lập lại quy hoạch giai đoạn 3 của dự án, trình các cơ quan chức năng xem xét phê duyệt thay đổi quy hoạch theo hướng giữ lại khu vui chơi và tiểu cảnh như hiện nay cho cư dân.
Chung cư D2 Giảng Võ, Hà Nội
Vấn đề tranh chấp: Chèn ép, thất hứa bố trí giao nhà, tranh chấp quyền lợi trong liên doanh đầu tư
Cao trào: Đối tượng lạ mặt gây hấn nhiều lần, công an phải đảm bảo an ninh trật tự tòa nhà
Tòa nhà D2 Giảng Võ hoàn thành với quy mô hoành tráng và thiết kế đẹp và được cho là một trong những hình mẫu trong việc cải tạo các chung cư cũ tại Hà Nội vốn khó thực hiện, gây bức xúc dư luận trong nhiều năm nay.
Hiện tòa nhà này đã hoàn thành nhiều hạng mục cơ bản, chỉ còn một số hạng mục phụ trợ đang trong quá trình hoàn thiện nốt những phần cuối cùng, nhiều cư dân đã về ở tại đây bao gồm cả người mua và các hộ dân tái định cư.
Tuy nhiên, trong khoảng 3 tháng gần đây, tại dự án này đã xảy ra nhiều vấn đề tranh chấp, tình trạng náo loạn xảy ra khiến cư dân tòa nhà không thể an cư.
Nguyên nhân sự việc được cho là do những tranh chấp đã kéo dài nhiều năm nay giữa các thành viên trong liên doanh đầu tư dự án xây dựng lại nhà tập thể cũ D2 Giảng Võ là CTCP Đầu tư phát triển nhà Gia Bảo, CTCP Sông Đà Thăng Long và CTCP Đầu tư phát triển Nha Trang - Hà Nội.
Những bất đồng, tranh chấp quyền lợi trong liên doanh này đã xảy ra ngay từ khi thi công dự án này khiến dự án nhiều thời điểm rơi vào khó khăn.
Cùng với đó là những tố cáo của cư dân liên quan đến việc Công ty Gia Bảo chèn ép cư dân, thất tín trong việc bố trí nhà và chính sách hỗ trợ tái định cư cho cư dân khi di dời...
Sự việc có chiều hướng diễn biến phức tạp, hiện tượng nhiều đối tượng lạ mặt gây hấn tại văn phòng Công ty Gia Bảo xảy ra nhiều lần, lực lượng công an đã phải can thiệp... khiến cư dân sinh sống tại tòa nhà này cảm thấy bất an.
Tổ hợp chung cư Hồ Gươm Plaza, Hà Đông, Hà Nội
Vấn đề tranh chấp: Chất lượng dịch vụ, tính phí cao, xây dựng sai thiết kế
Cao trào tranh chấp: Chủ đầu tư cắt điện, nước, thang máy – Cư dân biểu tình
Tổ hợp Hồ Gươm Plaza tọa lạc tại quận Hà Đông, Hà Nội, là khu phức hợp gồm Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp với 3 khối nhà A, B, C cùng chung khối đế, cao 29 tầng. Tổng vốn đầu tư lên tới 1.500 tỷ đồng do CTCP May Hồ Gươm làm chủ đầu tư.
Mặc dù đã bàn giao căn hộ cho cư dân khoảng hơn 1 năm nay nhưng tranh chấp giữa chủ đầu tư và các cư dân tòa nhà vẫn cho thấy diễn biến phức tạp, leo thang.
Theo phản ánh của cư dân, tòa nhà đã bàn giao hơn 1 năm gần 300 căn hộ đã có người về ở nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện hết các dịch vụ tiện ích như trong hợp đồng.
Không những thế, chất lượng dịch vụ tại dự án theo cư dân phản ánh là rất kém, thiếu đơn vị vận hành, cư dân phải sống chung với tiếng ồn cả năm trời do việc thi công gây ra. Đồng thời, cư dân cũng tố cáo việc chủ đầu tư cũng tự ý cơi nới một số căn hộ tại dự án để bán kiếm lời.
Căng thẳng xảy ra khi chủ đầu tư thông báo thu phí dịch vụ, cư dân phản đối bằng việc nhất quyết không đóng phí. Chủ đầu tư đã tiến hành việc cắt điện, cắt nước và cắt dịch vụ thang máy cục bộ nhiều lần để gây áp lực và trả đũa cư dân.
Cuối tháng 9/2015 vừa qua, khi bị cắt điện, nước và thang máy, nhiều cư dân đã tụ tập với biểu ngữ để phản đối chủ đầu tư.
(Còn tiếp)