Những tín hiệu tốt xấu đan xen khiến thị trường bất động sản năm 2019 có nhiều ẩn số mang tính bước ngoặt.
3,5ha “đất vàng” Khách sạn Kim Liên sẽ vào tay ai?
- Cập nhật : 15/11/2015
(Bat dong san)
Khu "đất vàng" khách sạn Kim Liên có vị trí tại số 5-7 Đào Duy Anh, Hà Nội rộng 3,5ha là đất thuê có thời hạn 50 năm kể từ năm 1993, theo hình thức trả tiền hàng năm.
Thông tin công bố đấu giá hơn một nửa số cổ phần Công ty CP Du lịch Kim Liên đơn vị đang quản lý, sử dụng và kinh doanh khu khách sạn Kim Liên tại số 5-7 Đào Duy Anh, Hà Nội khiến nhiều nhà đầu tư để ý.
Nhiều quan điểm cho rằng do khách sạn Kim Liên có vị trí “đất vàng” ngay trung tâm Thủ đô, lại có diện tích quy mô rộng lên tới 3,5ha nên đã thu hút được giới đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Được biết, đây là khách sạn có lịch sử lâu đời ở Hà Nội, tiền thân là khách sạn Bạch Mai được thành lập năm 1961. Khách sạn Kim Liên có 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng được xây dựng trên khu đất 3,5ha.
Hơn 52% số cổ phần CTCP Du lịch Kim Liên do SCIC nắm giữ vừa được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chào bán đấu giá cả lô, với mức giá khởi điểm 30.600 đồng một cổ phần. Tổng giá trị của đợt thoái vốn này khoảng 112 tỷ.
Với mức giá trên, việc thâu tóm khách sạn Kim Liên hoàn toàn nằm trong khả năng của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh địa ốc. Điều đáng chú ý hơn, đó là thông tin công bố về cổ đông hiện đang nắm giữ khách sạn Kim Liên ngoài SCIC, phần lớn cổ phần còn lại do ngân hàng GPBank và Công ty GP Invest nắm giữ.
Chủ tịch HĐQT của GP Invest là ông Nguyễn Quốc Hiệp, đồng thời cũng là thành viên HĐQT của CTCP Du lịch Kim Liên. Vì thế, nhiều người cho rằng GP Invest có lợi thế, cũng như có khả năng để thâu tóm khu “đất vàng” này nếu công ty này có nhu cầu mua.
Nhìn vào hoạt động kinh doanh của CTCP Du lịch Kim Liên những năm gần đây khá ổn định với mức doanh thu khoảng 120 tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ kinh doanh khách sạn và nhà hàng, lợi nhuận bình quân khoảng gần 10% doanh thu. Cổ tức bình quân ở mức khoảng 15%.
Theo ông Phan Xuân Cần-Chủ tịch SohoVietnam, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực M&A bất động sản cho rằng, với mức giá khởi điểm này là khá tiềm năng với nhà đầu tư, bởi 2 khía cạnh. Do bán cả lô nên chắc chắn sẽ nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi họ sẽ nắm quyền chi phối, khi đó nhà đầu tư có thể tái cấu trúc doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu bỏ ra từ 112 tỷ đồng mà kinh doanh ổn định như Khách sạn Kim Liên thì có thể nói khoản đầu tư này là bình thường với lợi tức bình quân 15%.
Tuy nhiên, trong thương vụ thoái vốn này, khách sạn Kim Liên hấp dẫn đối với nhà đầu tư ở chỗ đang quản lý 3,5ha “đất vàng” tại ngay trung tâm Thủ đô. Nếu nhà đầu tư nắm quyền chi phối, ngoài việc kinh doanh phần tài sản là khách sạn và nhà hàng hiện có thì khu đất này họ có thể xin chủ trương lập dự án đầu tư trên chính khu đất này. Do đó, thương vụ thoái vốn khách sạn Kim Liên sẽ hấp dẫn bởi tiềm năng khu đất vàng đem lại.
Theo bản công bố thông tin của CTCP Du lịch Kim Liên, khu đất 3,5ha tại số 5-7 Đào Duy Anh hiện nay công ty đang sở hữu theo hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Tháng 9/2014 UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho công ty thuê 3,5ha đất này sử dụng cùng với công trình đã xây dựng kinh doanh nghề khách sạn. Thời gian thuê đất 50 năm kể từ năm 1993, như vậy, thời hạn thuê đất còn tới 2043.
Tháng 7/2015 vừa qua chi cục thuế quận Đống Đa xác định phát sinh các khoản tiền thuê đất phải nộp của công ty giai đoạn 2010-2014 là trên 34,4 tỷ đồng, trong đó tiền thuê đất là hơn 27,9 tỷ đồng còn lại là tiền chậm nộp. CTCP Du lịch Kim Liên đã nộp bổ sung hơn 19,1 tỷ đồng, số tiền còn lại đang hoàn thiện hồ sơ để nộp bổ sung.