Theo ông Trần Đức Diễn các đơn vị phân phối ký hợp đồng đặt cọc mua nhà là không vi phạm các quy định bởi hợp đồng mua bán chỉ được ký khi dự án đã đủ điều kiện bán nhà theo đúng quy định. Từ đó có thể thấy hình thức “lách luật” huy động vốn này rất khó kiểm soát và người mua nhà vẫn có thể gặp rủi ro khi chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án.
Nhìn lại kết quả trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai
- Cập nhật : 27/02/2016
(Tin kinh te)
Trong thời gian qua, ở cấp trung ương, công tác quản lý nhà nước về đất đai đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai
Trong thời gian qua, ở cấp trung ương, công tác quản lý nhà nước về đất đai đã tập trung triển khai thi hành các chính sách, pháp luật, theo dõi, đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai ở các địa phương, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khó khăn; rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình 1 năm thực hiện Luật Đất đai; trình Chính phủ ban hành bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thi hành Luật và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ban hành 5 thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật và các nghị định quy định chi tiết thi hành. Triển khai kiểm tra việc triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Ở cấp địa phương, đã ban hành hơn 450 văn bản cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và các nghị định quy định chi tiết thi hành.
Các văn bản do địa phương ban hành tập trung vào các lĩnh vực giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy định về hạn mức sử dụng đất, diện tích tối thiểu được phép tách thửa; quy định về trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trình tự thủ tục về giải quyết tranh chấp đất đai và cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Về việc rà soát, lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020
Trong việc triển khai rà soát, lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất (2016-2020) phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng trình Chính phủ để trình Quốc hội hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia.
Hiện tại 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai việc lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp tỉnh và cấp huyện và lập kế hoạch sử dụng đất năm 2016 cấp huyện. Ngành Tài nguyên và các địa phương đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Triển khai việc rà soát, công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của địa phương và Cổng thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường các dự án đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Về cơ bản, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất được các địa phương triển khai thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về đất đai. Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng đặc dụng, phòng hộ được kiểm soát chặt chẽ.
Theo báo cáo của 56/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã thực hiện giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích hơn 69 nghìn ha cho hơn 3 nghìn tổ chức và gần 2,5 nghìn hộ gia đình, cá nhân để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng và đảm bảo nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho nhân dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa nguồn thu từ đất đai trong năm 2015 đạt hơn 40 tỷ đồng.
Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất theo Luật Đất đai 2013 đã khắc phục được tình trạng thu hồi đất tràn lan như trước đây; sàng lọc được các nhà đầu tư có năng lực bảo đảm đưa đất vào sử dụng, không để đất đai lãng phí bỏ hoang.
Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Ngành Tài nguyên đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để hoàn thiện hồ sơ địa chính, đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Đến nay, cả nước cơ bản hoàn thành mục tiêu cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, đạt trên 94,9% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Riêng năm 2015, cả nước đã cấp được hơn 200 nghìn giấy chứng nhận.
Hệ thống hồ sơ địa chính tiếp tục được hiện đại hóa. Cả nước đã có 107 đơn vị cấp huyện đang vận hành cơ sở dữ liệu đất đai. Nhiều địa phương đã thực hiện liên thông với hệ thống cơ quan thuế để phục vụ đa mục tiêu (trong đó có 59 đơn vị cấp huyện đã vận hành và quản lý cơ sở dữ liệu đất đai liên thông ở cả 3 cấp), có 9.027 đơn vị cấp xã xây dựng cơ sở dữ liệu đất lúa.
Hoàn thành giai đoạn I Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long) với kết quả: hoàn thành đo đạc địa chính với diện tích 856 nghìn ha; thực hiện đăng ký, kê khai và xét duyệt 3,4 triệu hồ sơ thửa đất, trong đó: đã ký cấp 3 triệu giấy chứng nhận, đã trao 2,4 triệu giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
Hoàn thành và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu của 59 đơn vị cấp huyện; 9 cơ sở dữ liệu theo mô hình tập trung cấp tỉnh; hiện đại hóa 9 văn phòng đăng ký và 57 chi nhánh; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 cho người dân, doanh nghiệp góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính (giảm thủ tục thế chấp từ 11 ngày xuống còn 1,3 ngày; thủ tục cấp giấy lần đầu giảm từ 55 ngày xuống còn 19,2 ngày), góp phần làm minh bạch hóa công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Về công tác kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất
Về việc triển khai kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất các cấp, các ngành đã quyết liệt chỉ đạo và thực hiện rà soát, đo đạc, cắm mốc, giao đất, cho thuê đất; cấp giấy chứng nhận, tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh (theo Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng).
Tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các địa phương, đặc biệt là bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án trọng điểm. Quan tâm kiện toàn các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai, ngành Tài nguyên đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng kiện toàn, thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, Tổ chức phát triển quỹ đất.
Đến nay, đã có 31/63 tỉnh, thành phố thành lập, kiện toàn Văn phòng đăng ký đất đai một cấp; 62 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất cấp tỉnh, 338 Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện; 100% địa phương đã lập đề án để kiện toàn Trung tâm phát triển quỹ đất một cấp, có 7 địa phương đã thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất một cấp. Tăng cường cải cách hành chính trong quản lý đất đai; thực hiện tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Nhìn chung trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai có chuyển biến rõ nét; đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đất đai tạo hành lang pháp lý đầy đủ giúp cho việc triển khai thi hành Luật có hiệu quả hơn.
Đã theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện và kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thi hành Luật Đất đai, không để ách tắc gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai đã hạn chế được giao đất, cho thuê đất cho các chủ đầu tư không có năng lực, tránh được lãng phí trong việc sử dụng đất.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có chuyển biến rõ rệt, hạn chế tối đa việc thu hồi đất tùy tiện, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất. Việc xây dựng bảng giá đất 5 năm đã được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng đất đã được tăng cường về số lượng; điều chỉnh về đối tượng, trong đó chú trọng thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai; coi trọng việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện và công khai kết quả thực các kết luận thanh tra.
Khiếu nại trong lĩnh vực đất đai đã giảm: năm 2015 có 1.813 vụ việc (chiếm 94% số vụ việc) liên quan đến lĩnh vực đất đai, trong đó có 1.214 vụ việc khiếu nại liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai, chủ yếu là thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cưỡng chế thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính được thực hiện theo chính sách, pháp luật đất đai trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (chỉ có 45/1.214 vụ việc khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013).
Đối với vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường và vụ việc được Thủ tướng Chính phủ giao đều là các vụ việc phát sinh trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực.
Về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và chú trọng cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, cả cấp trung ương và nhiều địa phương đã tập trung quyết liệt để xây dựng và công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai theo hướng cải cách, đơn giản hoá các thủ tục hành chính nhằm dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Ở một số địa phương, việc áp dụng thực hiện quy định về thu hồi đất, điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chưa thực sự thực hiện triệt để theo tinh thần tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Mặc dù cơ bản hoàn thành đã đạt tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng kết quả cấp Giấy chứng nhận trên cơ sở bản đồ địa chính, trích đo địa chính có tọa độ còn hạn chế.
Số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất tại các cấp còn ít. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai tại các địa phương chưa được tăng cường mạnh mẽ. Việc xử lý vi phạm còn chậm, kéo dài; kết quả xử lý còn khiêm tốn so với số lượng các vi phạm đã phát hiện; tính răn đe, ngăn chặn của công tác thanh tra, kiểm tra chưa cao.
Việc rà soát, tổ chức lại Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 còn chậm. Một số địa phương chưa thật sát sao, quyết liệt trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Theo ncseif.gov.vn