Thị trường nhà đất đã xuất hiện một số dấu hiệu có thể gây bất ổn.
'Chỉ báo' thị trường bất động sản nhìn từ kết quả kinh doanh của 10 doanh nghiệp lớn?
- Cập nhật : 05/08/2018
Một số doanh nghiệp bất động sản “án binh bất động” trước các đợt thanh kiểm tra của Nhà nước và ảnh hưởng của thủ tục hành chính trong cấp phép xây dựng, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác đang sở hữu quỹ đất sạch lớn, giao dịch vẫn sôi động, có sự tăng trưởng ổn định về doanh thu và lợi nhuận.
Phân khúc cao cấp tăng trưởng tốt nhất về giá
Báo cáo mới của CBRE cho biết, tại thị trường Hà Nội có 5.900 giao dịch căn hộ thành công, giảm 22% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ 2 liên tiếp lượng căn hộ giao dịch thành công ở thị trường Hà Nội bị sụt giảm.
Đối với thị trường Hồ Chí Minh, theo CBRE, trong quý II có sự giảm nhiệt ở cả nguồn cung và cầu. Quý II, thị trường TP. Hồ Chí Minh có 7.055 căn hộ giao dịch thành công, giảm 26% so với cùng kỳ. Quý I/2018, thị trường TP. HCM khởi sắc với tỷ lệ giao dịch căn hộ thành công 9.200 căn, tăng 26% so với cùng kỳ.
CBRE cho rằng, trong quý II dù tổng lượng sản phẩm mở bán tại Hà Nội giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ở phân khúc căn hộ cao cấp sau khoảng thời gian tương đối trầm lắng đã bắt đầu sôi động trở lại với 3 dự án mới nằm tại vị trí đắc địa, bao gồm D'Eldorado 2, Starlake và Vinhomes WestPoint. Các sản phẩm chung cư cao cấp chiếm tới 37% tổng nguồn mở bán mới, tăng mạnh 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự báo cáo của Savills mới đây cho biết, tổng lượng hàng hóa bất động sản bán trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 28.000 sản phẩm, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phân khúc sản phẩm vừa túi tiền chiếm lĩnh thị trường, hơn 60% giao dịch, tăng 40%; và phân khúc bất động sản hạng A tăng trưởng tốt nhất về giá trị, hơn 50% so với 6 tháng đầu 2017.
Giao dịch trên thị trường chùng xuống vì “nhân tố mới”
Tổng lượng hàng hóa giao dịch thành công sụt giảm ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong quý II/2018, trong khi phân khúc sản phẩm cao cấp vẫn tăng trưởng mạnh về giá trị và hút hàng cho thấy những điểm lạ trên thị trường bất động sản.
CBRE cho rằng, sự giảm nhiệt của thị trường bất động sản do một số yếu tố đã tác động đến thị trường như Nghị định 23 năm 2018 của Chính phủ về quy định mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với toàn bộ tài sản cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, hay tiếp tục là các vấn đề liên quan đến tính pháp lý xây dựng các dự án bất động sản.
Bên cạnh đó, theo CBRE, đây là thời điểm các chủ đầu tư đang tập trung rà soát lại các sản phẩm hiện tại để chuẩn bị ra mắt vào cuối năm và cũng để thị trường điều tiết và hấp thụ các sản phẩm chưa bán hết ở các quý trước đây.
Lượng cung sản phẩm đang hạn chế, đã giảm 30% so với 6 tháng đầu 2017, theo Savills. Dù vậy, từ góc nhìn các nhà phát triển bất động sản, thị trường bất động sản Việt Nam “vẫn đang tốt” do nhu cầu nhà ở chỉ mới thời kỳ bắt đầu do cấu trúc dân số trẻ.
Tuy nhiên, lượng cung giảm do ảnh hưởng của thủ tục hành chính trong đền bù giải phóng mặt bằng bị kéo dài, cấp phép xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn hơn, và các đoàn thanh kiểm tra đang là lực cản của thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Xuân Quang, chủ tịch Tập đoàn Nam Long đơn vị có 3 dòng sản phẩm hạng A, B, C và dẫn đầu thị trường phân khúc nhà ở vừa túi tiền cho rằng, tổng lượng cung bất động sản đã giảm 30% trong 6 tháng qua so với cùng kỳ năm trước do nhiều dự án bất động sản chưa hoàn thành thủ tục pháp lý chưa thể mở bán và việc thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng khiến nhiều công ty bất động sản “án binh bất động”.
8/10 doanh nghiệp BĐS vẫn giữ phong độ trong 6 tháng 2018
Thống kê kết quả kinh doanh của 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trong năm 2017 gồm Vingroup (bao gồm cả VRE, SDI, và VHM), Novaland (mã NVL), Đất Xanh (mã DXG), Nam Long (mã NLG), Kinh Bắc (mã KBC), Khang Điền (mã KDH), Phát Đạt (mã PDR), FLC, Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) và Văn Phú Invest (mã VPI) cho thấy, ngoại trừ VPI, QCG đang đuối sức, 8/10 doanh nghiệp còn lại đóng góp của mảng bất động sản vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Số liệu của VIC là "ngoại hạng" trong nhóm thống kê nên không được đưa vào biểu đồ. Nguồn: Báo cáo tài chính các công ty
Dẫn đầu tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận là DXG với tăng 121% về doanh thu và tăng 147% về lợi nhuận. Đất Xanh cho biết lợi nhuận tăng do các mảng hoạt động của DXG hầu hết đều tăng. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu mảng dịch vụ môi giới tăng mạnh 160%, và mang lại biên lợi nhuận gộp 68%, phản ánh lượng sản phẩm giao dịch thành công trên thị trường bất động sản tăng mạnh trong 6 tháng đầu 2018.
Dù vậy, VIC vẫn là doanh nghiệp dẫn đầu về độ lớn doanh thu và lợi nhuận, xếp thứ 2 tăng trưởng lợi nhuận và top 5 về tăng trưởng doanh thu. Điều này phù hợp với đánh giá của CBRE hay Savills về phân khúc sản phẩm hạng A trên thị trường đang có sự tăng trưởng tốt về giá trị và hấp thu tốt.
Xếp thứ 3 về tăng trưởng lợi nhuận cao, Phát Đạt ghi nhận tăng 80% về lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm. Lợi nhuận PDR tăng đến từ dự án The EverRich Infinity, và hợp tác đầu tư phát triển dự án bất động sản với các đối tác khác.
FLC - đại diện của dòng bất động sản nghỉ dưỡng, 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu tăng trưởng 84%, xếp sau DXG và KBC, riêng quý II doanh thu tăng 130%. Kết quả kinh doanh của FLC phản ánh sức nóng của dòng bất động sản nghỉ dưỡng khi thực tế nhiều tháng qua, hàng loạt các đợt mở bán các dự án như FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn, FLC Hạ Long đã tạo nên hiện tượng “sốt” trên thị trường với tính thanh khoản khá cao.
Nam Long, đại diện của phân khúc nhà ở vừa túi tiền ghi nhận lợi nhuận 6 tháng sụt giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cùng kỳ năm trước NLG ghi nhận lợi nhuận bất thường từ việc đem đất góp vốn trong liên doanh phát triển dự án Nguyên Sơn. NLG cho biết, nếu loại bỏ khoản bất thường nói trên, hoạt động kinh doanh bất động sản của NLG trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá tốt.
Số liệu của VIC là "ngoại hạng" trong nhóm thống kê nên không được đưa vào biểu đồ. Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các công ty.
Tương tự, KBC đơn vị có lợi nhuận sụt giảm 33% cho biết do cùng kỳ năm ngoái KBC ghi nhận lợi nhuận lớn từ hoạt động tài chính. Trong khi đó, chỉ tính riêng mảng bất động sản, hoạt động cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ 107% đạt doanh thu 1003,7 tỷ đồng.
VPI đuối sức với doanh thu sụt giảm 90%, lợi nhuận giảm 98% so với 6 tháng đầu 2017. VPI là doanh nghiệp “mới” trên Sàn chứng khoán và nhanh chóng lọt Top các doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất năm 2017 nhờ các công trình nhờ thấp tầng V5 V6 và công trình nhà CT9 thuộc dự án Khu đô thị mới Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội. Năm 2018, hầu hết các dự án đang trong quá trình triển khai thi công, chưa đủ điều kiện ký hợp đồng chuyển nhượng và ghi nhận doanh thu.
VPI là doanh nghiệp đang sở hữu một loạt đất vàng sạch nằm rải rác ở TP. Hồ Chí Minh và đất sạch tại Hà Đông, trung tâm Hà Nội nhờ hoạt động đầu tư đổi hạ tầng lấy đất (dự án BT làm đường). Tuy nhiên, “sóng” thanh tra các lô đất công ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có thể đang khiến cho các doanh nghiệp chủ động chậm hơn, “án binh bất động” trong triển khai dự án.
Quốc Cường Gia Lai với sự kiện nổi bất trong 6 tháng đầu năm 2018 là “rắc rối” với tài sản công hơn 32 ha đất tại Phước Kiển, Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận mức sụt giảm 23% doanh thu và giảm 81% lợi nhuận do chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng. Trước đó, tại kỳ họp thường niên, QCG cho biết năm 2018 QCG chỉ bàn giao nhà cho khách ở 2 dự án Marina và De Capella. Các dự án lớn của QCG đang bị vướng giải phóng mặt bằng và thủ tục pháp lý.
HỒNG QUÂN
Theo Bizlive.vn