Doanh thu thương mại điện tử sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020; Ngành Thực phẩm đồ uống: "Thỏi nam châm" hút nhà đầu tư ngoại; Tỷ phú Thái vẫn thèm Vinamilk
Tin kinh tế đọc nhanh tối 15-09-2018
- Cập nhật : 15/09/2018
JPMorgan: Đợt khủng hoảng tiếp theo sẽ nổ ra vào 2020
Theo mô hình tính toán của JPMorgan, thế giới sẽ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính vào năm 2020 nhưng mức độ nghiêm trọng sẽ không như 10 năm trước.
10 năm sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers, các chiến lược gia tại Ngân hàng JPMorgan đã thiết lập một mô hình nhằm tính toán thời gian và mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo. Theo mô hình này, thế giới sẽ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính vào năm 2020.
Tin tốt là thiệt hại của cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ không nghiêm trọng bằng những gì từng xảy ra trước đây, theo phân tích của JPMorgan. Còn tin xấu là thanh khoản của thị trường tài chính sẽ giảm mạnh tới nỗi các doanh nghiệp khó có thể thoát ra được.
Mô hình của JPMorgan tính toán kết quả dựa trên chiều dài của sự phát triển kinh tế, giai đoạn mà cuộc khủng hoảng tiếp theo có thể xảy ra, mức độ đòn bẩy, định giá tài sản, mức độ nới lỏng quy định và cải cách tài chính trước khi khủng hoảng diễn ra.
Cụ thể, JPMorgan dự đoán thị trường chứng khoán Mỹ giảm khoảng 20%, với chênh lệch lợi suất trái phiếu doanh nghiệp Mỹ tăng vọt khoảng 1,15%. Tại khối thị trường mới nổi, chứng khoán sẽ giảm mạnh 48% cùng với thị trường tiền tệ mất 14,4%, đồng thời nợ công tăng thêm 2,79%. Giá năng lượng và kim loại cơ bản lần lượt giảm 35% và 29%.
“Những con số dự báo này có vẻ không thấm vào đâu so với những gì mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 10 năm trước gây ra”, chiến lược gia John Normand và Federico Manicardi của JPMorgan nhận định.
Trước đó, chuyên gia Marko Kolanovic của ngân hàng này từng kết luận rằng nguy cơ thị trường bị gián đoạn ngày càng lớn khi nhiều nhà đầu tư có xu hướng rời bỏ phương thức quản lý tài sản chủ động. Điều này có thể nhìn thấy thông qua sự phát triển của các quỹ chỉ số, quỹ ETF và chiến lược giao dịch dựa trên định lượng. Ông Kolanovic và các đồng nghiệp cho rằng thế giới có thể sẽ phải trải qua một cuộc “đại khủng hoảng thanh khoản”.
“Khả năng ngăn chặn và phục hồi từ những đợt suy thoái của thị trường ngày càng giảm do xu hướng dịch chuyển từ phương thức quản lý tài sản chủ động sang bị động, và đặc biệt là số lượng nhà đầu tư giá trị chủ động giảm”, hai chuyên gia phân tích khác tại JPMorgan cho hay.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng gần đây của thị trường mới nổi cho thấy tài sản tại các nước đang phát triển ngày càng rẻ hơn trong năm nay, từ đó mức giảm từ đỉnh xuống đáy trong cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ hạn chế hơn, theo ông Normand và Manicardi.(NDH)
---------------------------
Trung Quốc nhấn mạnh cần cải cách hệ thống thương mại thế giới
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 13/9 cho rằng hệ thống thương mại thế giới hiện nay không hoàn hảo và Trung Quốc ủng hộ cải cách hệ thống này, bao gồm Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), để hệ thống trở nên công bằng và hiệu quả hơn.
Trung Quốc đang vướng vào một cuộc chiến thương mại với Mỹ và đã nhiều lần cam kết duy trì hệ thống thương mại đa phương và thương mại tự do, với WTO là trung tâm.
Tuy nhiên, phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian, ông Vương Nghị nhấn mạnh "Trung Quốc không cho rằng hệ thống hiện tại hoàn hảo và không có thiếu sót," vì vậy, "có thể sẽ tốt nếu có một số cải cách."
Ông nêu rõ Trung Quốc ủng hộ "các cải cách cần thiết và hoàn thiện hệ thống hiện nay, trong đó có WTO, để hệ thống công bằng hơn, hiệu quả hơn và hợp lý hơn."
Theo ông Vương Nghị, không nên thay đổi các nguyên lý cơ bản của WTO, như phản đối chủ nghĩa bảo hộ và ủng hộ tự do thương mại, nhưng cần quan tâm nhiều hơn đến quyền của các nước đang phát triển.
Ông nhấn mạnh mục đích của cải cách phải là cho phép các nước hưởng những thành quả phát triển của toàn cầu hóa một cách công bằng hơn, chứ không phải làm gia tăng cách biệt giữa Nam và Bắc.
Theo đó, các cải cách đối với WTO "cần bao gồm việc lắng nghe tiếng nói từ tất cả các bên và tham vấn rộng rãi, đặc biệt là lắng nghe một cách tôn trọng các ý kiến từ các nước đang phát triển."
Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc thừa nhận vấn đề cải cách WTO vô cùng phức tạp và liên quan tới nhiều lĩnh vực. Trung Quốc hy vọng tất cả các bên tiếp tục "kiên nhẫn và tiến bộ từng bước."
Các phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ có thể trở lại bàn đàm phán tại Bắc Kinh, trước khi Mỹ có thể áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.(Vietnam+)
----------------------
Nhiều dự án mới của Việt Nam được cấp phép đầu tư vào Lào
Ngày 13/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018).
Tại cuộc gặp, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mới của quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào thời gian qua. Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước, nhiều dự án mới của Việt Nam được cấp phép đầu tư vào Lào, một số công trình quan trọng như Nhà Quốc hội Lào, các trường học tại tỉnh tỉnh Borikhamxay và tỉnh Sekong… được triển khai đúng tiến độ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ hai nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả Hiệp định về hợp tác lao động, Thỏa thuận về giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú và triển khai tổng kết mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Den Savan.
Với quyết tâm đưa hợp tác song phương tiếp tục đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa, hai Thủ tướng nhất trí phối hợp triển khai tích cực các thỏa thuận cấp cao, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc thực hiện các dự án đầu tư theo hướng bảo đảm “chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ và tránh lãng phí”, đồng thời khẩn trương chuẩn bị cho Kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào tại Việt Nam đầu năm 2019.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng, đặc biệt trên các vấn đề chiến lược, trong đó có vấn đề Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại mỗi nước cũng như ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và đánh giá cao sự tham gia, đóng góp tích cực của đoàn đại biểu Chính phủ Lào và cá nhân Thủ tướng Thongloun Sisoulith tại Hội nghị WEF ASEAN 2018. Thủ tướng Thongloun Sisoulith nhiệt liệt chúc mừng thành công về mọi mặt của Hội nghị lần này và cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của nước chủ nhà dành cho đoàn đại biểu Chính phủ Lào.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào, Thủ tướng Thongloun Sisoulith một lần nữa bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với sự chia sẻ, giúp đỡ quý báu về vật chất và tinh thần của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam anh em dành cho Lào trong việc khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu cuối tháng 7 vừa qua.(Tienphong)