tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sau cái chết của nữ doanh nhân Hà Linh: Chè Ô Long khốn khó

  • Cập nhật : 11/10/2015

(Tin kinh te)

Đài Loan là thị trường chính, chiếm 95% sản lượng chè ô long xuất khẩu của Lâm Đồng, nhưng nay thị trường này “đóng băng” khiến vùng chè lớn nhất nước này gặp khó.

viec san xuat, kinh doanh che o long o lam dong dang gap “song gio” vi xuat khau khong duoc - anh: gia binh

Việc sản xuất, kinh doanh chè ô long ở Lâm Đồng đang gặp “sóng gió” vì xuất khẩu không được - Ảnh: Gia Bình


Tồn kho hàng ngàn tấn

Việc xuất khẩu chè cao cấp sang Đài Loan đã gặp khó khăn trong vài năm qua, nhưng kể từ khi nữ doanh nhân Hà Thúy Linh bị sát hại ở Trung Quốc, rồi đến chuyện doanh nghiệp (DN) ngừng thu mua chè nguyên liệu của nông dân mới đây vì xuất khẩu không được, thì ngành chè Lâm Đồng mới “nổi sóng” trong dư luận.

Chuyện xuất khẩu gặp khó này từ cuối năm 2014 khi các cơ quan truyền thông ở Đài Loan phản ánh chè nhập khẩu từ VN có chứa các thành phần của chất độc dioxin. Dù qua phân tích, kiểm nghiệm, tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định chè Lâm Đồng không nhiễm chất độc dioxin, nhưng câu chuyện “bịa đặt” này đã gây tâm lý lo ngại cho người sử dụng ở Đài Loan. Tiếp đó, đầu năm nay lại đến chuyện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhất là hàm lượng fipronil vượt ngưỡng cho phép gây khổ cho ngành chè.

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Trong tổng số diện tích gần 24.000 ha chè ở địa phương, có khoảng 4.000 ha trồng các giống chè ô long với năng suất 18 tấn chè búp tươi/ha/năm. Bình thường mấy năm trước, các DN ở Lâm Đồng xuất khẩu qua Đài Loan khoảng 10.000 tấn chè thành phẩm. Nhưng năm nay việc xuất khẩu qua Đài Loan gặp khó khăn, đến nay có khoảng 2.000 tấn chè ô long của các DN đang tồn kho không xuất được”.

Quy định làm khó hàng nhập

Ông Đoàn Trọng Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội Chè VN, nói: “Khó khăn lớn nhất đối với việc xuất khẩu chè ô long từ trước đến nay là do chỉ có thị trường ở Đài Loan tiêu thụ chủ yếu, nên khi thị trường này có vấn đề thì việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn là chuyện khó tránh khỏi. Còn rào cản lớn nhất mà sản phẩm chè ô long xuất khẩu đang gặp phải đó chính là dư lượng thuốc BVTV, trong khi đó việc quản lý các loại thuốc BVTV có chứa hàm lượng fipronil chưa được các ngành chức năng trong nước chú trọng đúng mức”.

van phai duy tri san xuat, nhieu doanh nghiep ton kho hang chuc tan che o long thanh pham - anh: trung duong

Vẫn phải duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp tồn kho hàng chục tấn chè ô long thành phẩm - Ảnh: Trùng Dương

Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng: “Ngoài lý do cạnh tranh không lành mạnh thì phía Đài Loan đưa ra hàng rào kỹ thuật quá khắt khe giống như để bảo hộ cho sản phẩm sản xuất trong nước của họ vậy. Yêu cầu dư lượng hoạt chất fipronil cho phép của Đài Loan là 0,001ppm, cao hơn cả Nhật Bản (0,002 ppm) và cao hơn nhiều so với mức chung của thế giới (0,005 ppm). Với yêu cầu gần như bằng 0 này, chúng ta rất khó đáp ứng, bởi chưa nói đến sử dụng mà chỉ cần hơi ở đâu bay tới thôi đã thì vượt mức dư lượng cho phép này rồi”.

Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Định, Phó giám đốc Công ty TNHH Fusheng (100% vốn Đài Loan, có trụ sở tại TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), cho hay cả chục năm qua công ty làm ăn với các đối tác Đài Loan bình thường nhưng nay lại đang thực sự gặp khó khăn. “Tháng 4 năm nay, công ty xuất sang Đài Loan gần 10 tấn chè ô long nhưng bị họ trả về và từ đó đến nay, chúng tôi không xuất khẩu được lô hàng nào. Phía Đài Loan kiểm tra gắt gao dư lượng thuốc BVTV từng lô hàng một, nên chúng tôi chủ động kiểm tra kỹ trước khi xuất đi, nhưng bất ngờ họ trả lời không mua nữa... Hiện công ty tồn kho đến khoảng 70 tấn chè, cùng với đó là việc trả lương công nhân để duy trì sản xuất, rồi trả chậm tiền chè nguyên liệu còn thiếu trong dân (khoảng 3 - 4 tỉ đồng) đã khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn nên buộc lòng phải thông báo đến các hộ nông dân tạm ngưng thu mua chè nguyên liệu kể từ tháng 1.2016”, bà Định nói.

Ông Teng Chao Chuan (tên thường gọi Đặng Triệu Toàn), Trưởng thư ký Chi hội thương mại Đài Loan tại Lâm Đồng, cho biết hiện tổng diện tích chè ô long của 28 DN Đài Loan tại Lâm Đồng là trên 3.000 ha và lượng chè ô long đang tồn kho cũng rất lớn. “Nếu vấn đề dư lượng thuốc BVTV không được giải quyết sớm thì việc các DN bị phá sản là điều tất yếu và thực tế đã có 2 DN phá sản”, ông Teng Chao Chuan nói và đưa giải pháp: “Để đảm bảo chất lượng sản phẩm chè ô long cần có biện pháp tiến hành kiểm tra việc sản xuất kinh doanh thuốc BVTV. Đồng thời, phối hợp với chính quyền Đài Loan cùng các phương tiện thông tin đại chúng phía Đài Loan để thông báo vấn đề dư lượng thuốc BVTV tới người dân Đài Loan”.

Tìm thị trường mới

Theo ông Đoàn Trọng Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội Chè VN, để giải quyết khó khăn trước mắt và lâu dài cho sản phẩm chè ô long thì chính quyền Lâm Đồng cần đặc biệt quan tâm, định hướng người sản xuất chè tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc BVTV, đồng thời làm việc trực tiếp với Chi hội thương mại Đài Loan tại Lâm Đồng nhằm đưa ra những quy định và giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, cần mở rộng thị trường xuất khẩu chè ô long ra thị trường nhiều nước trên thế giới và chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước.


Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cũng thừa nhận lâu nay chúng ta chỉ bán chè ô long cho Đài Loan là chính. “Sắp đến chúng tôi sẽ mời Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc cùng Chi hội thương mại Đài Loan tại Lâm Đồng để làm việc tìm giải pháp cụ thể. Quan trọng hơn, sẽ đề nghị Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Lâm Đồng tổ chức xúc tiến tìm thị trường độc lập cho riêng mình. Tăng cường xúc tiến thương mại thông qua tham gia các hội chợ, các lãnh sự quán nhằm quảng bá thương hiệu mở rộng thị trường trong và ngoài nước để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Với tình hình hiện tại, trước mắt chúng tôi sẽ động viên các DN thu mua chè nguyên liệu cho người dân rồi ghi nợ từ từ thanh toán sau; song song đó cũng vận động các DN sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phân bón bán nợ cho nông dân để họ đầu tư duy trì sản xuất”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cũng nhìn nhận: “Biến động thị trường là vấn đề tức thời, DN và người dân cần chia sẻ với nhau để vượt qua khó khăn. Vấn đề lâu dài là chúng ta cần tìm thêm thị trường, bởi lâu nay thị trường chè ô long xuất khẩu quá hẹp, chỉ một thị trường Đài Loan, ví dụ chúng ta khắc phục được các tồn tại mà họ không chịu mua thì sao? Vì vậy ngoài việc phải đảm bảo chất lượng, chúng ta cần xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu...”

 

 

Theo Gia Bình - Trùng Dương
Thanh Niên

Trở về

Bài cùng chuyên mục