Hí hoạ: Bữa trưa ngon miệng, thức ăn từ... thép Hoa Sen
(Cong nghiep)
Trong đầu tư, khi nghĩ nhiều về lợi nhuận, người ta có thể bỏ qua các yếu tố khác như môi trường. Nhưng đến một thời điểm nào đó, có tiền cũng không giúp bạn được no và dự án hơn 10 tỷ đô của Tập đoàn Hoa Sen phải nghĩ đến điều đó.
"Liệu môi trường có tiếp tục phải gánh chịu những thảm hoạ?" là một trong những câu hỏi được đặt ra khi có thông tin dự án thép hơn 10 tỷ USD được quy hoạch đầu tư.
Bởi từ sau sự cố ô nhiễm do nhà máy Formosa, xã hội trở nên cực kỳ nhạy cảm với những dự án lớn, tiềm ẩn rủi ro về môi trường.
Cụ thể, dự án gây lo ngại lần này là khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận do tập đoàn Hoa Sen (HSG) làm chủ đầu tư với công suất 16 triệu tấn/năm vừa được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Ngoài nỗi sợ hậu Formosa, một lo lắng khác đến từ việc thị trường thép thế giới đang lao đao vì hàng triệu tấn thép dư thừa khiến cho rủi ro của dự án này tăng thêm.
Tuy nhiên, mặc bão dư luận, chủ tịch của Tập đoàn này cho rằng đây là cơ hội thị trường và không thể nào chậm trễ hơn được, nhất là sau khi nhìn vào lợi nhuận lên đến 2.000 tỷ mà tập đoàn Hoà Phát thu về trong quý vừa rồi. Và vị chủ tịch này kết luận: “Ngu gì không làm thép”. Theo các chuyên gia lý do khiến cho vị này tự tin tuyên bố “ngu hay khôn” là bởi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hiện nay đang có rất nhiều thuận lợi, ưu đãi của nhà nước: từ đất, cơ sở hạ tầng (đường, cảng), điện nước,… nên giảm được bao nhiêu chi phí. Đấy là chưa kể những chế độ bảo hộ khác mà như ở ngành thép là quyết định số 862/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc “áp thuế tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu
Và kế hoạch đầu tư vào ngành thép của tập đoàn này đã được 97% cổ đông tán thành. Tất nhiên, tỉ lệ tán đồng này, hay câu phát ngôn mạnh bạo của vị chủ tịch kia nếu nhìn nhận trên góc độ lợi nhuận kinh doanh không sai. Chỉ có nỗi sợ hãi về môi trường vẫn đang hiển hiện.
Bốn tỉnh Bắc Trung bộ sau sự cố môi trường Formosa cách đây ít lâu đã bị huỷ hoại nghiêm trọng. Nửa rặng san hô ở đó bị chết, tôm, cá điển hình cũng không còn mà phải mất khoảng 50 năm nữa biển mới phục hồi. Liệu câu chuyện đấy có tái diễn ở một vùng biển khác? Cá và thép, người ta định chọn cái gì?
Điều may mắn là đến thời điểm hiện tại, tập đoàn này vẫn chưa được cấp bất kỳ một giấy phép nào liên quan đến dự án. Tất cả vẫn đang chờ sự cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và chấp thuận của Chính phủ.